Chú Giải Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXVII Mùa Thường Niên (Lc 11,15-26) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ SÁU TUẦN XXVII MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 11,15-26

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Gl 3, 7-14

Thưa anh em, anh em nên biết rằng, những ai dựa vào đức tin, những người ấy là con cái ông Abraham.

Chúng ta gặp lại ở đây tiếng dội của các lời đối chất lừng danh giữa Đức Giêsu và những người Do-thái mà thánh sử Gioan đã ghi lại. Abraham là tổ phụ lý tưởng vĩ đại. Nhưng ông. Nhưng Đức Giêsu đã mở rộng cửa cho “dân Thiên Chúa”: “Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này biến thành con cháu Abraham” (Mt 3, 9). “Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng tổ phụ Abraham” (Mt 8, 11)“ giả như các ông là con cái Abraham hẳn các ông phải làm những việc ông Abraham đã làm” ( Ga 8, 39).

Tin Mừng của Phaolô cũng chính là Tin Mừng của Đức Giêsu.

Kinh Thánh thấy trước rằng Thiên Chúa sẽ làm cho các dân ngoại nên công chính nhờ Đức tin, nên đã tiên báo cho ông Abraham Tin Mừng này: Nhờ người, muôn dân sẽ được chúc phúc.

Các người tân tòng Do-thái đòi hỏi phải trở nên “con cháu Abraham”, phải “làm người Do-thái”, mới trở nên Kitô hữu. Phaolô không chối bỏ điều ấy nhưng ông nhìn nhận có sự liên tục trong dự định của Thiên Chúa…Kinh Thánh của người Do-thái: sách Cựu ước, cũng là Kinh Thánh của các Kitô hữu.

Nhưng Phaolô thêm vào, qua thị kiến mà ông sẽ diễn tả trong thư Rôma, là mọi người có thể trở thành “con cháu ông Abraham”, không phải nhờ thực thi lề luật, nhưng nhờ Đức tin… vì trong điểm này mà ông Abraham được biệt danh là “con người của niềm tin!”.

“Tất cả các dân tộc”. Cái nhìn của tôi có bao quát như thế không ? Dự định của tôi có rộng mở như của Thiên Chúa không?

Danh từ “Công giáo” có dội lại trong tôi những chân trời bao la, hay chỉ đóng khung trong pháo đài, khư khư nắm giữ một vài nguyên tắc như của tôi không?

Hay là danh từ “công giáo” đối với tôi có nghĩa là “toàn cầu”, “cởi mở cho mọi người” là “thừa sai” không?

Tôi có thao thức về việc loan báo Tin Mừng cho dân ngoại không?

Tôi phải làm gì để trở thành một chứng nhân cho tiếng gọi phổ quát này?

Như vậy những kẻ dựa vào Đức tin thì được chúc phúc làm một với ông Abraham, người của Đức tin.

Còn những ai dựa vào những việc Luật dạy phải làm, thì đều chốc lấy lời nguyền rủa…Vả lại, không ai được nên công chính trước mặt Thiên Chúa nhờ Lề Luật, đó là điều hiển nhiên.

Để chứng tỏ rằng các viễn ảnh này, bề ngoài xem ra mới lạ và có tính cách mạng ( như các người tân tòng Do-thái nói) thì thực sự cũng có tính cách cổ truyền… Trong đoạn này Phaolô đưa ra nhiều dẫn chứng của Kinh Thánh, ông nói với họ rằng : “Kinh Thánh là giáo lý chân chính, mà anh em có nơi miệng, hãy đọc đi: Chính Kinh Thánh là lời của Thiên Chúa và lời ấy luôn nói rằng con người được giải án tuyên công sẽ là một “ân huệ” của Thiên Chúa ban cho những kẻ tin vào Người chứ không cho những người “thực thi” Lề Luật”.

Đức Kitô đã chuộc chúng ta để chúng ta thoát khỏi lời nguyền rủa của Lề Luật… Để nhờ Đức Giêsu Kitô, các dân ngoại cũng được hưởng hạnh phúc lành dành cho ông Abraham, nhờ Đức tin.

Khi đi lùi lại, và bên ngoài tuân giữ, một Lề Luật đã mất hết hiệu lực là một điều đáng quản ngại. Thánh Phaolô dùng những công thức rất mãnh liệt không ai chống cưỡng nổi, để diễn tả lòng gắn bó của mình với Đức Kitô : “Đức Kitô chính Người trở nên kẻ bị nguyền rủa thay cho chúng ta…” Ôi mầu nhiệm lạ lùng!

Bài đọc II: Ge 1, 13-15. 2, 1-2

Hỡi các tư tế, hãy thắt lưng, và kêu khóc, hỡi các thừa tác viên bàn thờ hãy la lên ; hỡi các thừa tác viên của Thiên Chúa tôi, hãy tiến vào, hãy mặc áo vải gai mà thức suốt đêm.

Lời mời “sám hối”.

Hiển nhiên là Gioel đã sống vào một thời kỳ rất đen tối: Những lời cầu nguyện rất thương tâm. Chứng tỏ bày ý chí trỗi dậy, ý chí khích lệ, những người này. Trước những bất hạnh đổ xuống chúng ta, xuống thâm quyến và môi trường của chúng ta, người ta có thể an lòng với việc than khóc, hay tồi tệ hơn, với việc tố cáo người khác.

Vị sứ ngôn chọn một thái độ khác xứng đáng và tích cực hơn: ông nhấn mạnh đến tình liên đới nối kết các loại người, tư tế, trợ tế và các tín hữu. Và mời gọi họ tất cả hãy phản ứng lại.

Cơn thử thách đối với tôi có phải là một lời mời gọi thanh tẩy không?

Hãy thổi kèn tại Sion, hãy la lối trên núi thánh của Ta.

Phải, các lương tâm đã đi tới chỗ ngủ yên. Hậu quả trầm trọng nhất của tội lỗi là vô cảm : Người ta không thấy được sự dữ họ làm. Không gì tồi tệ hơn là sự ích kỷ tư lợi, khiến không còn chú ý gì tới thái độ kỳ quái đối với người chung quanh.

Mọi tội lỗi chúng ta cũng làm cùn nhụt tiếng trách móc của lương tâm như thế. Người ta quên nó. Một vài phản ứng thành yếu ớt. Người ta chìm sâu mất hút.

Lạy Chúa, xin thức tỉnh chúng con. Hãy thổi kèn lên! Hãy lớn tiếng cho chúng con biết rằng, tội lỗi chúng con đang tiếp tục làm hại chúng con, làm hại người khác, cho dù chúng con không thấy được.

Hãy công bố cuộc chay thánh, hãy triệu tập đại hội, hãy tụ tập các bô lão tất cả các dân cư trong nước hiệp mặt lại trong đền thờ Thiên Chúa các ngươi và hãy kêu cầu Chúa.

Hãy chay tịnh. Tụ họp với người khác mà cầu nguyện. Phản ứng này chứng tỏ rằng người ta không cam chịu sự dữ. Có những điều phải làm. Nhưng đồng thời, ý thức về sự yếu hèn của mình, chúng ta lên tiếng kêu cầu.

NGÀY NAY,chắc chắn có cơn cám dỗ muốn chỉ trích thái độ này. Người ta sẽ nói: “Hãy nỗ lực, dấn thân chống lại sự dữ”. Và thực sự có thể có một thứ “kinh nguyện vì biếng nhác” như Péguy đã nói. Dầu vậy, con người vẫn không hoàn toàn có khả năng tự mình biến cải cuộc sống.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nỗ lực hối cải... và cầu xin để Chúa hoán cải chúng con...

Ngày của Chúa gần đến rồi... ngày của Chúa đã gần đến rồi ....

Các sứ ngôn thường nói về “ngày” này (Am 5,18-20 ; Israel 13,6; Ed 30,3). Kiểu nói này biểu thị một sự can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa vào lịch sử, để tiêu diệt sự dữ, và để thể hiện kế đồ của Người. Đối với người tin, lịch sử không phải là một sự bắt đầu lại vĩnh viễn. Có những biến cố thực

sự đã qua đi ; có một sự tiến triển. Và Thiên Chúa không vắng mặt. Thiên Chúa hành động.

Chắc chắn, sẽ có một cuộc can thiệp “cuối cùng” của Thiên Chúa, vào thời sau hết. Nhưng các Sứ ngôn thường áp dụng viễn tượng này vào các biến cố cụ thể : việc tràn ngập cào cào đã khởi động lại sấm này của Gioel (l,2-4).

“Ngày của Chúa” trước hết không phải là một ngày còn xa vời, chính là ngày HÔM NAY : “Ngày đã gần đến !” Người ta sẽ không hề nói cho đủ về ngày đó : Mỗi ngày đều là ngày phán xét. Tôi sẽ bị phán xét về mỗi ngày sống của tôi.

Vậy là chính HÔM NAY mà tôi phải hối cải.

BÀI TIN MỪNG: Lc 11, 15-26

Như vậy trong số đó có mấy người lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ. Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã xin Người một dấu lạ từ trời.

Một trong những cay cực lớn nhất, đó là bị hiểu lầm, bị khinh bỉ, đó là hứng chịu những lời nói xấu xa hay những ác ý Đức Giêsu cảm nghiệm thấm thía sự cay cực này.

Người ta tố cáo Người là kẻ phá hoại Nước Thiên Chúa! Người ta tố giác Người đứng về phe Satan. Sự tố cáo này mạnh mẽ và đầy khinh miệt: Bê-en-dê-bun có nghĩa là “Baal phân nhơ... Chúa của uế tạp” , hay theo một nguyên ngữ khác, có nghĩa là: “Baal của ruồi bọ… Chúa của ruồi bọ!” . Đó là điều người ta nói về Đức Giêsu, trong ngôn ngữ A-ra-mên.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con tránh tất cả những kiểu cắt nghĩa ác ý.

Và nếu chúng con có thuộc vào số những nạn nhân như Chúa, xin giúp chúng con biết chịu đựng những chỉ trích, những vu khống như thế.

Nhưng Người biết tư tưởng của họ, nên nói: “Nước nào chia rẽ thì sẽ điêu tàn... Nếu Satan cũng tự chia rẽ , thì nước nó tồn tại sao được?”

Trong cuộc tranh luận, Đức Giêsu nhấn mạnh tới tầm quan trọng về hiệp nhất.

Nội chiến phá hủy các vương quốc nhiều hơn là các cuộc tấn công từ bên ngoài. Ai sử dụng sự “chia rẽ” để công kích, sẽ bị tiêu diệt bởi chính sự chia rẽ đó, vì nó sẽ quay lại chống phá những nhóm riêng của mình .

Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.

“Ngón tay Thiên Chúa” là hình ảnh tượng trưng uy quyền của Thiên Chúa: Thiên Chúa không cần gắng sức, Người chỉ cần lay thử đầu ngón tay, thì mọi hành động quyền năng sẽ được thực hiện (Xh 8,15 ; Tv 8,4). Kiểu dịch “Triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” vẫn còn có vẻ nhẹ nhàng. Bản văn Hy Lạp mạnh nghĩa hơn: “Triều đại Thiên Chúa đã đến, đang gây ngạc nhiên cho các ông… đã đến cách đột ngột… đã đột kích các ông…đi trước các ông”. “Đó là sự “biến đổi hoàn toàn và nhanh nhẹn cắt đứt mọi hơi thở và ngăn cản mọi khả năng chống đỡ. Cuộc tấn công nhắm vào Satan và không thể tránh né được.

Khi một người mạnh mẽ được vũ trang đầy đủ canh giữ nhà mình, thì của cải người ấy được an toàn. Nhưng nếu có người khác mạnh hơn đến thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí...

Khác với Mát-thêu (12,29), Luca là thánh sử duy nhất ghi lại sự hiện diện của một người “mạnh hơn”, tên gọi mà Gioan Tẩy Giả dành cho Đấng Mét-xi-a (Lc 3,16). Lạy Chúa Giêsu, Đấng “mạnh hơn” sự dữ, mạnh hơn Satan, xin đến giúp đỡ con, xin đến giúp đỡ bản tính con người đáng thương của chúng con.

Ai không theo tôi, là chống tôi.

Trong Tin Mừng Luca (9,50), Đức Giêsu, đã nói: “Ai không chống lại chúng ta, là ủng hộ chúng ta". Ở đây, đó lại là một tư tưởng khác: Dựa theo hoàn cảnh, Đức Giêsu muốn

mở rộng tầm nhìn cho các môn đệ Người... hay ngược lại, muốn khắc ghi vào tâm trí các ông một lập trường kiên định nào đó trong việc chọn lựa hai vương quốc.

Khi quỷ Xuất khỏi một người, thì nó đi rảo qua những nơi khô cháy ám, tìm chốn nghỉ ngơi. Mà vì tìm không ra, nó mới nói : ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi”... Nó liền kéo thêm bảy quỷ khác dữ hơn nó, và chúng ở đó. Rốt cuộc, tình trạng của người lại ấy lại còn tệ hơn trước.

Đức Giêsu mượn lại những kiểu mô tả quỷ ma quen dùng trong thời đại của Người .

Điều cốt yết trong lời cảnh giác này thật là nghiêm chỉnh và trang trọng, đó là kẻ nào đã thoát khỏi quyền lực của sự dữ, thì không nên tưởng mình như hết bị tấn công.

Nhiều người thời nay không tin có Satan nữa. Tuy nhiên, tâm lý học về những gì thâm sâu đã cho biết, có những vực thẳm. Con người cổ xưa tin rằng , mình là thứ đồ chơi cho các lực lượng vũ trụ vô hình. Không trở lại với những biểu tượng cổ xưa chắc chắn ta cần phải có thái độ phòng ngừa: Ai phủ nhận quyền lực của Satan: là trang bị cho nó vũ khí. Đối với một cuộc chiến, không gì tệ hại hơn là không nhìn thấy sức mạnh của đối phương.

 

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Đức Giêsu và quỷ vương Bê-en-dê-bun

HOÀN CẢNH:

Bài Tin Mừng hôm nay được thánh sử Luca ghi lại theo thứ tự những vấn đề sau đây:

1. Đức Giêsu và quỷ vương Bê-en-dê-bun (10, 15-20): Chúa Giêsu đến diệt trừ ma qủy để xây dựng một vương quốc mới thuộc về Thiên Chúa.

2. Không theo Đức Giêsu là chống lại Người (10, 23): phải có thái độ dứt khoát chọn Chúa hay chọn ma quỷ.

3. quỷ phản công (10,24-26): diễn tả số phận đáng thương của người rơi vào tay ma quỷ.

Ý CHÍNH: 

Bài Tin Mừng này trình bày cho chúng ta về việc Đức Giêsu thi hành sứ vụ cứu thế của Người qua việc Người trừ một quỷ câm, để mời gọi chúng ta phải có thái độ dứt khoát chọn lựa : về phe ma quỷ thì sẽ bị khốn khổ (10, 24-26) và tin nhận Đức Giêsu thì được hạnh phúc (10, 23-27).

TÌM HIỂU:

14 "Rồi Đức Giêsu trừ một quỷ câm …":

Qua các phép lạ, cũng như phép lạ trừ một quỷ câm ở đây. Đức Giêsu tỏ uy quyền thiên sai của Người : diệt trừ ma quỷ để thoát khỏi con người và đem con người đến sự sống : sự sống con cái Thiên Chúa.

14-16 "Nhưng trong số đó có mấy người lại bảo …":

Chứng kiến phép lạ này, đám đông dân chúng có thái độ dưới ba hình thức:

- Đám đông lấy làm ngạc nhiên: đây là những người đơn sơ, ngay thật tỏ lòng khâm phục Chúa. thái độ này dẫn người ta đến sự tin nhận Chúa Giêsu.

- "Nhưng trong số đó có người lại bảo…": đây là thái độ của nhóm biệt phái cố tình xuyên tạc ý nghĩa sự việc.

Và "kẻ khác lại muốn thử người …": đây là nhóm Pharisêu quá khích, muốn tranh luận với Đức Giêsu (Mt 16,1; Mc 8, 11). Nhóm này Chúa đã gọi là: thế hệ gian ác (Lc 11, 29).

17-22 "Người biết tư tưởng của họ …":

Đức Giêsu phi bác luận điệu xuyên tạc trên đây bằng cách Người đã dựa vào hai sự việc cụ thể để chứng minh :

- Dụ ngôn chia rẽ là chết. Ma qủy chẳng dại gì mà lại đi phá hủy chính nước của nó, cho nên lý luận như biệt phái chỉ là ngụy biện. Chính đồ đệ của biệt phái cũng trừ quỷ mà nhóm biệt phái đâu có gắn cho ma qủy. Vậy Đức Giêsu đã trừ quỷ nhờ thần khí của Thiên Chúa, cốt là để thiết lập nước Thiên Chúa giữa nhân loại.

- Dụ ngôn kẻ cướp: từ trước tới nay, ma qủy từng khống chế thế gian như kẻ mạnh; nhưng nay Chúa xuất hiện như kẻ mạnh hơn nên đã tống khứ hắn ra ngoài (trừ quỷ), và giải thoát con người.

23 "Ai không đi với tôi là chống lại tôi…":

Đức Giêsu đã tỏ uy quyền trên ma quỷ như vậy thì không ai có quyền đứng trung lập nữa : không tin theo Chúa Giêsu là đứng về phe ma qủy. Quả vậy, Đức Giêsu đã trở thành nguyên cớ cho nhiều người phải hư vong hay được cứu độ (Lc 1, 34).

24-26 "Khi thần ô uế xuất khỏi một người…":

Đức Giêsu dùng các hình ảnh quen thuộc trong Do Thái giáo thời bấy giờ để diễn tả sống phận đáng thương của người bị rơi vào tay ma qủy trước khi được giải thoát. Ở đây ám chỉ người Kitô hữu sống trong tội lỗi.

Đức Giêsu xác tín. Người đã chiến thắng ma quỷ nên không coi tình trạng đáng thương đó là định mệnh (Lc 10, 28; 11, 20), nhưng Người dùng kiểu nói này để cảnh cáo những ai mới đi theo Người về nguy cơ có thể bị đe dọa (Mt 12, 43-45).

27-28 "Khi Đức Giêsu đang giảng…":

Đức Giêsu coi trọng mối dây liên hệ đức tin hơn liên hệ huyết nhục, và nói đến tất cả những ai đã tin vào Người. Câu này không phải để phê bình Đức Maria, vì Luca đã cho thấy Đức Mẹ là kẻ đã tin (1, 45) : "cứ suy đi nghĩ lại trong lòng" (2, 19).

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Giữa những lúc khó khăn, trở ngại, thử thách và đau khổ trong đời sống nhiều người đã nghi ngờ về sự hiện hữu và quyền năng của Thiên Chúa. Đối với họ, Thiên Chúa đã chết, hay ít ra cũng đành bất lực trước những sự dữ và tội ác của con người ! Bài Tin Mừng hôm nay đã trấn an chúng ta : Chúa Giêsu có quyền trên sự dữ; đòi hỏi chúng ta phải chọn lựa dứt khoát : theo hay từ chối Người. Nếu từ chối thì chuốc cho mình tình trạng đáng thương (10, 24-26). Chọn Người bằng cách lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa, thì được hạnh phúc.

2. Khi phủ nhận lập luận xuyên tạc của nhóm biệt phái. Chúa Giêsu cho chúng ta thấy : phán đoán của họ xuất phát từ lòng dạ xấu xa: vì "không phải cái từ bên ngoài vào làm cho người ta ra ô uế, nhưng chính cái phát sinh từ cõi lòng xấu của con người, làm phát sinh độc ác, gian tà, tham lam, dâm ô, ngoại tình". Vì thế muốn diệt trừ tội ác, thì phải cải hóa lòng người trước đã.

3. Một trong những cái gây đau khổ nhất cho con người, đó là bị khác hiểu lầm, khinh khi, bóp méo những lời nói ý nghĩa và việc làm của mình. Chúa Giêsu đã nếm qua cái đau khổ đó, như trong bài Tin Mừng hôm nay noi gương Chúa, chúng ta biết chấp nhận những đau khổ vì bị bỏ vạ cáo gian để yêu thương tha nhân, và để nên giống Chúa hơn.

4. Một điều chúng ta không thể phủ nhận: xã hội hiện nay còn tràn ngập những bạo lực và tội ác, thế giới vẫn còn lẫn lộn giữa bóng tối và ánh sáng, giữa tội lỗi và ân sủng. Và con người vẫn phải đối diện trước biết bao đau khổ và bất hạnh… Đó chính là thân phận và kiếp sống của con người trong cuộc lữ hành trần gian. Qua phép lạ trừ quỷ Chúa Giêsu đã chứng minh về sứ mạng cứu thế của Người là giải thoát con người khỏi tình trạng nô lệ của ma qủy và những hậu quả của tội lỗi, là những đau khổ và sự chết để thiết lập Nước Thiên Chúa. Chúng ta hãy trung thành và sống xứng đáng với phẩm giá con cái Thiên Chúa để được làm công dân Nước Trời : nơi không còn chết chóc và đau khổ nữa.

5. "Ai không đi với tôi là chống lại tôi":

Chúa đòi hỏi phải dứt khoát chọn lựa Chúa hay từ chối. Trước sự chọn lựa giữa cái tốt và xấu, được làm và không được làm, theo kiểu thế gian hay đường lối của Thiên Chúa… Chúng ta phải dứt khoát chọn lựa, không được ngập ngừng kiểu bắt cá hai tay!

6. "Ai không cùng tôi thu góp là phân tán":

Chúa đòi hỏi chúng ta phải cộng tác với Chúa trong chương trình cứu độ của Người. Là Kitô hữu, nhất là những người được tuyển chọn làm tông đồ Chúa, chúng ta có trách nhiệm làm tông đồ mở mang Nước Chúa; trách nhiệm trong việc thánh hóa tha nhân, thăng tiến con người, xây dựng xã hội trần thế để đưa con người về đường lối Chúa.

7. "Tình trạng người ấy lại còn tệ hại hơn trước":

Chúa cảnh cáo chúng ta là Kitô hữu, là những người được Chúa chọn riêng : phải tỉnh thức, canh chừng kẻo bất trung với Thiên Chúa, thì sẽ bị thẳm hại hơn.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.